Với các giải pháp hiệu quả, sáng tạo trong các hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, ngành Giáo dục-Đào tạo Ninh Bình đã góp phần bồi đắp, phát huy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cũng như khơi dậy sự nỗ lực học tập, rèn luyện, cống hiến cho các thế hệ học sinh.
Là ngôi trường tự hào mang tên danh nhân văn hoá của quê hương và nằm trên địa bàn có Di tích Quốc gia đặc biệt núi Non Nước, với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, Trường THCS Trương Hán Siêu (thành phố Ninh Bình) luôn chú trọng giáo dục học sinh ý thức, trách nhiệm về việc giữ gìn, bảo tồn các di tích lịch sử, văn hoá.
Cô giáo Trịnh Thị Vân Khánh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, nhà trường luôn chú trọng các hoạt động lồng ghép, tích hợp các kiến thức về lịch sử, văn hoá qua các giờ học trên lớp, kết hợp với hoạt động trải nghiệm, ngoại khoá… để học sinh có cơ hội tham quan, tìm hiểu về các di tích lịch sử, văn hoá, nhất là Di tích quốc gia đặc biệt núi Non Nước. Từ đó giúp mỗi học sinh xây dựng ý thức giữ gìn, bảo vệ và phát huy giá trị di sản, nỗ lực rèn luyện, học tập tốt để xứng đáng với tên gọi của ngôi trường mang tên Danh nhân văn hoá Trương Hán Siêu.
Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động được nhà trường tổ chức qua các buổi học chính khoá hay ngoại khoá, mỗi học sinh nhà trường đều được rèn luyện, học tập để có thêm kiến thức, hiểu biết, có thể trở thành một tuyên truyền viên giới thiệu, quảng bá giá trị di sản…
Có nhiều thuận lợi trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá, Trường THCS Đinh Tiên Hoàng (Hoa Lư) đã tổ chức các hoạt động ngoại khoá, gắn với việc trải nghiệm thực tế tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Cố đô Hoa Lư cũng như thông qua việc tham gia Lễ hội Hoa Lư hàng năm.
Cô giáo Lê Thị Thanh Liêm, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: Là ngôi trường mang tên Vua Đinh Tiên Hoàng nên học sinh nhà trường hiểu rõ về thân thế, sự nghiệp của Vua Đinh cũng như chí lớn của người anh hùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước. Niềm tự hào này là động lực giúp học sinh nhà trường tích cực hơn trong rèn luyện, học tập.
Hàng năm, vào dịp Lễ hội Hoa Lư, nhà trường quan tâm tổ chức cho học sinh luyện tập màn diễn tích “Cờ lau tập trận”. Coi đây là một trong những hoạt động ý nghĩa để giáo dục truyền thống lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các em học sinh.
Được học tập, trải nghiệm thực tế, hoà mình vào không khí của Lễ hội đã có tác dụng tích cực trong việc nâng cao nhận thức, giáo dục các em học sinh biết trân trọng, giữ gìn truyền thống lịch sử của quê hương, đất nước, xây dựng động cơ, mục đích học tập, rèn luyện cho bản thân.
Trong những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo luôn chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, giáo dục mũi nhọn cho học sinh, học viên. Trong đó, việc giáo dục truyền thống, lịch sử văn hóa nói chung và văn hoá Tràng An nói riêng trong xây dựng đô thị di sản thiên niên kỷ cho học sinh, học viên là một trong những giải pháp quan trọng trong nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh, thiếu niên của tỉnh. Từ đó giúp mỗi học sinh thêm hiểu, tự hào và có ý thức bảo vệ, giữ gìn những di tích lịch sử, di sản văn hoá cha ông để lại.
Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung nội dung giáo dục địa phương, biên soạn tài liệu giáo dục địa phương Ninh Bình từ lớp 1 đến lớp 12 để giảng dạy trong các cơ sở giáo dục phổ thông một cách toàn diện, hệ thống, đầy đủ về truyền thống lịch sử, văn hóa, con người, điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội của tỉnh Ninh Bình.
Chỉ đạo sát sao các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc việc giảng dạy các môn học, nội dung giáo dục địa phương bằng nhiều hình thức sáng tạo, phong phú: tổ chức dạy học, trải nghiệm tại di sản; thực hiện giờ học kết nối với những trường của địa phương có di sản: mời chuyên gia, nghệ nhân người địa phương giới thiệu về di sản...
Qua đó đã tạo hứng thú cho thầy và trò, thực sự phát huy giá trị các di sản trong việc góp phần nâng cao nhận thức, hiểu biết, khơi gợi niềm tự hào, vun đắp tình yêu quê hương cho các thế hệ học sinh Ninh Bình.
Các đơn vị, trường học tích cực tổ chức các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, đưa học sinh tham quan, học tập tại các làng nghề truyền thống của tỉnh như: nghề thêu ren ở thôn Văn Lâm (xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư); nghề gốm ở làng Bồ Bát (huyện Yên Mô), ở xã Gia Thuỷ (huyện Nho Quan)...
Qua các giờ học thực địa, học sinh được giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, truyền thống, lịch sử văn hóa của quê hương, hình thành ý tưởng kinh doanh, khởi nghiệp...
Các sân chơi, cuộc thi như: “Kể chuyện di sản qua tranh”, “Đại sứ văn hoá đọc”, “Thư viện lưu động”… được phối hợp tổ chức đã làm cho hoạt động giáo dục truyền thống, lịch sử văn hoá có nhiều đổi mới, sáng tạo.
Bên cạnh đó, hoạt động chuyên đề cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh về giáo dục di sản được tích cực tổ chức; sinh hoạt câu lạc bộ tích hợp nội dung giáo dục địa phương với chủ đề “The world Around" - nơi em sống theo hình thức lớp học kết nối không biên giới, học sinh tại các điểm cầu của Ninh Bình với các nước trên thế giới (Indonesia, Nepal, Ấn Độ, Pakistan, Mỹ, Hàn Quốc, Albania, Myanmar, Campuchia và Ấn Độ), các tỉnh trong nước (Nghệ An, Nam Định, Đắk Lắk, Hà Nội, Lai Châu, Tuyên Quang) và các huyện, thành phố trong tỉnh giới thiệu về các di sản của địa phương.
Sở đã chủ trì thực hiện thành công hai đề tài khoa học cấp tỉnh là “Biên soạn bộ tài liệu giới thiệu di sản văn hoá địa phương để sử dụng trong dạy học tại các trường phổ thông của tỉnh Ninh Bình” và đề tài “Quản lý và tổ chức dạy học tích hợp theo chủ đề di sản văn hoá địa phương tại các trường THPT tỉnh Ninh Bình”. Nội dung 2 đề tài đã thể hiện việc quan tâm đặc biệt của ngành đối với việc sử dụng di sản trong dạy học, góp phần nâng cao ý thức giữ gìn, phát huy truyền thống, lịch sử văn hoá của thế hệ trẻ.
Bùi Diệu
Theo https://baoninhbinh.org.vn/