Giáo dục STEM là một phương thức giáo dục nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary) và người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hàng ngày.
Giáo dục STEM được xây dựng trên nguyên lý cốt lõi là “Học thông qua hành” (Learning by doing), tạo được sự hứng thú và thoải mái cho học sinh, qua đó đạt được hiệu quả học tập cao. STEM là xu hướng giáo dục hiện đại và quan trọng của thế giới ngày nay. Với phương châm “ ĐƯA SÁNG TẠO VÀO LỚP HỌC – MANG KIẾN THỨC RA THỰC TẾ”
Nhận thức được tầm quan trọng đó, Sở GD&ĐT Ninh Bình đã và đang triển khai giáo dục STEM trong chương trình giáo dục phổ thông mang lại nhiều kết quả tốt đẹp, đáp ứng tốt định hướng đổi mới giáo dục phổ thông đó là đảm bảo giáo dục toàn diện, nâng cao hứng thú học tập môn học, hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho người học, kết nối trường học với cộng đồng, giúp phân luồng, hướng nghiệp học sinh. Đặc biệt trong năm học 2020-2021 Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản số 1126/SGDĐT-GDTrH ngày 23/9/2020 về việc hướng dẫn sinh hoạt chuyên môn, tổ chức chuyên đề tập trung xây dựng chủ đề dạy học STEM.
Ngày 30/11/2020, Tại trường THCS Kim Định, Phòng GD & ĐT Kim Sơn đã tổ chức thành công chuyên đề trải nghiệm sinh hoạt CLB STEM cấp tỉnh qua chủ đề “ chế tạo thiết bị sấy quần áo”
Tiến trình sinh hoạt CLB STEM được tuân thủ theo quy trình kĩ thuật 8 bước chặt chẽ, tuy nhiên các hoạt động trong quy trình không thực hiện một cách tuyến tính, máy móc mà có khi được thực hiện song hành, tương hỗ lẫn nhau, các hoạt động có mối quan hệ biện chứng, trong đó hoạt động này vừa là mục tiêu vừa là điều kiện để thực hiện hoạt động kia. Sinh hoạt CLB STEM qua chủ đề “chế tạo thiết bị sấy quần áo”của trường THCS Kim Định cũng được thiết kế theo 5 hoạt động như sau:
Hoạt động 1: Xác định vấn đề: yêu cầu chế tạo một thiết bị sấy quần áo đơn giản
Trong hoạt động này, học sinh được xem hoạt cảnh múa hát chơi các trò chơi dân gian vui nhộn dẫn đến vấn đề quần áo bị lấm bẩn, sau đó giáo viên giao cho học sinh nhiệm vụ học tập chứa đựng vấn đề: tìm hiểu, nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị sấy quần áo với các tiêu chí đòi hỏi học sinh phải sử dụng kiến thức đã học và các kinh nghiệm quan sát thực tế để đề xuất, xây dựng giải pháp, thiết kế và chế tạo sản phẩm. Từ đó học sinh phân công nhiệm vụ cho từng thành viên trong CLB
Hoạt động 2: Nghiên cứu kiến thức nền và đề xuất giải pháp
Hoạt động này, học sinh thực hiện hoạt động học tích cực, tự lực dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nghiên cứu kỹ các kiến thức liên quan: Vật lí, Toán học, Công nghệ đặc biệt kiến thức Vật lý về sự bay hơi và ngưng tụ, các tác dụng của dòng điện, các hình thức truyền nhiệt, định luật Jun-Lenxơ …để thực hiện nhiệm vụ.
Trong buổi sinh hoạt CLB STEM sẽ không còn các "tiết học" thông thường mà ở đó giáo viên đơn thuần giảng kiến thức mới cho học sinh. Thay vào đó, học sinh tự tìm tòi, chiếm lĩnh kiến thức để sử dụng vào việc đề xuất, thiết kế sản phẩm cần hoàn thành. Kết quả là, khi học sinh hoàn thành bản thiết kế thì đồng thời học sinh cũng đã hình thành kiến thức mới, củng cố, học hỏi và vận dụng được kiến thức vào thực tế.
Hoạt động 3: Lựa chọn giải pháp: Trình bày các bản thiết kế, lựa chọn phương án thiết kế thiết bị sấy quần áo.
Trong hoạt động này, học sinh các CLB trình bày, giải thích và bảo vệ bản thiết kế kèm theo thuyết minh các CLB. Dưới sự trao đổi, góp ý của các CLB bạn và giáo viên, học sinh các CLB tiếp tục hoàn thiện bản thiết kế trước khi tiến hành chế tạo, thử nghiệm. Trong hoạt động này các vấn đề mà các CLB còn đang vướng mắc sẽ được giáo viên tư vấn, giải thích và trợ giúp.
Hoạt động 4: Chế tạo thiết bị sấy quần áo, thử nghiệm và đánh giá
Trong hoạt động này, học sinh trực tiếp tiến hành chế tạo, lắp ráp theo bản thiết kế đã hoàn thiện (bước 3) ngay tại sân trường từ các nguồn thiết bị, vật liệu từ kho học liệu của nhà trường sau đó tiến hành thử nghiệm, đánh giá, góp ý, cần thiết sẽ điều chỉnh thiết kế để bảo đảm thiết bị chế tạo là khả thi. Cụ thế là cả 3 CLB với lứa tuổi và trình độ khác nhau nhưng cũng đã tạo ra được những thiết bị sấy quần áo cho riêng CLB mình.
Hoạt động 5: Trình bày sản phẩm thiết bị sấy quần áo, chia sẻ, thảo luận, điều chỉnh
Trong hoạt động này, học sinh được tổ chức để trình bày sản phẩm học tập đã hoàn thành; trao đổi, thảo luận, đánh giá để tiếp tục điều chỉnh, hoàn thiện.
Đây là buổi sinh hoạt CLB STEM cấp tỉnh tổ chức lần đầu tiên trong khối các PGDĐT nên tất cả 5 hoạt động đều được thực hiện trực tiếp ngay tại sân trường nhưng độ hào hứng, phấn khích trên gương mặt của những nhà khoa học nhí khi tiếp nhận, trải nghiệm tri thức qua hình thức sinh hoạt CLB STEM thì vẫn còn hiện rõ: Đó là độ say sưa khi nghiên cứu, độ nghiêm túc khi tiến hành thực nghiệm khoa học và đặc biệt cảm giác sung sướng vỡ òa khi sản phẩm phát huy được tính năng tác dụng. Đó là những trải nghiệm thú vị, tuyệt vời và khó quên ở lứa tuổi học trò
Như vậy, việc đưa giáo dục STEM vào trường trung học mang lại nhiều ý nghĩa, phù hợp với định hướng đổi mới giáo dục phổ thông. Cụ thể là: Đảm bảo giáo dục toàn diện; Nâng cao hứng thú học tập các môn học STEM; Hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh; Kết nối trường học với cộng đồng; Hướng nghiệp, phân luồng người học và điều quan trọng hơn cả đó là giúp học sinh có kỹ năng cần thiết, để làm việc và phát triển trong thế giới công nghệ hiện đại./.
Một số hình ảnh trong buổi sinh hoạt CLB STEM tại trường THCS Kim Định.
Thúy Ngọc-Bùi Bình (Phòng GDTrH thực hiện)