Việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp ngành giáo dục nâng cao hiệu quả quản lý và đổi mới chất lượng dạy và học. Nhờ có công nghệ mà diện mạo ngành giáo dục đã thay đổi từng ngày, từng giờ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong giáo dục còn gặp nhiều khó khăn, trong đó, khó khăn nhất chính là vấn đề con người.
Thành tựu quan trọng
Những năm qua, chuyển đổi số trong giáo dục đã có một bước tiến dài, hướng đến mục tiêu “Việt Nam tiên phong và trở thành một trong những quốc gia đi đầu trong chuyển đổi số về giáo dục và đào tạo”. Nếu như thời gian trước, công tác quản lý trong giáo dục chủ yếu thông qua hồ sơ, sổ sách là chính, thì giờ đây, việc quản lý hồ sơ, sổ sách của cán bộ, giáo viên đã được đơn giản hóa bằng công nghệ thông tin. Các dữ liệu của ngành giáo dục tất cả đã được cập nhật vào hệ thống phần mềm giúp cho cán bộ quản lý tiện lợi mà không rườm rà về mặt sổ sách.
Xu hướng ứng dụng công nghệ số trong giảng dạy, học tập cũng ngày càng được mở rộng. Ngành giáo dục đã phát triển mô hình giảng dạy học trực tuyến để người học có thể học mọi nơi, mọi lúc, chủ động trong việc học tập hiệu quả hơn. Lần đầu tiên, một cơ sở dữ liệu ngành được hình thành. Theo đó, ngành giáo dục đã hoàn tất việc số hóa, gắn mã định danh cho hơn 53.000 cơ sở giáo dục đào tạo, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên. Đồng thời, xây dựng và phát triển kho học liệu số dùng chung (bao gồm cả học liệu mở) với khoảng 5.000 bài giảng e-learning, 2.000 video bài giảng trên truyền hình, 200 thí nghiệm ảo, 200 đầu sách giáo khoa, 35.000 câu hỏi trắc nghiệm và trên 7.500 luận án tiến sĩ.
Đồng thời, do tác động của đại dịch Covid-19 đã tạo động lực thúc đẩy chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Hình thức dạy học trực tuyến, thi trực tuyến đã được đánh giá tích cực. Báo cáo PISA của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) nhận xét: Việc học trực tuyến để phòng, chống Covid-19 của Việt Nam có nhiều điểm khả quan so với các quốc gia và vùng lãnh thổ khác. Việt Nam có 79,7% học sinh được học trực tuyến. Tỷ lệ này cao hơn mức trung bình chung của các nước OECD (67,5%). Ở bậc đại học, có trên 50% cơ sở giáo dục cũng dạy học từ xa, trong đó nhiều trường áp dụng trực tuyến hoàn toàn, một số cơ sở kết hợp giữa đào tạo trực tuyến và trực tiếp.
Dạy học trực tuyến đã giúp rút ngắn thời gian thực dạy khi học sinh trở lại trường học, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục học sinh. Hình thức dạy học này cũng giúp giáo viên, học sinh làm quen và tăng cường hơn các kỹ năng công nghệ thông tin, thích ứng với những hình thức học tập mới của giáo dục tiên tiến trong thời đại công nghệ 4.0.
Con người- gốc của chuyển đổi số
Nền tảng cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục dựa vào cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương chính sách và đội ngũ lãnh đạo, cán bộ viên chức, giảng viên, giáo viên, người học... Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ như hiện nay, cùng với việc ngành giáo dục đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ chuyển đổi số trong giảng dạy thì mọi khó khăn sẽ sớm được giải quyết. Tuy nhiên, để chuyển đối số giáo dục thì điều khó khăn nhất hiện tại là thay đổi tư duy và thói quen tại các cơ sở đào tạo.
Phát biểu tại hội thảo “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo”, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho rằng, vấn đề khó khăn nhất trong quá trình chuyển đổi này chính là vấn đề con người.
“Con người phải thay đổi để thích nghi thì chuyển đổi số mới thành công. Bởi lẽ, giờ đây học sinh, sinh viên có quá nhiều kênh thông tin, tài liệu. Người thầy cần phải thay đổi từ việc truyền thụ kiến thức sang biết chọn lọc và tập hợp kiến thức để xây dựng được chương trình, giáo án, đặc biệt phải làm sao cá thể hóa tới từng học sinh”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nói.
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chuyển giao khoa học công nghệ, Phó trưởng Ban Chính sách của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, TS. Mai Văn Tỉnh cũng cho biết, hiện ngay việc giáo dục công nghệ ở nước ta còn quá chậm. Một trong những nguyên do dẫn tới điều này là do đội ngũ giáo viên. Đang có một khoảng cách rất lớn giữa thế hệ thầy và thế hệ trò. Thế hệ trò hiện nay chủ yếu là sinh từ năm 2000, họ đã được tiếp cận công nghệ từ khi trong bụng mẹ. Còn thế hệ thầy, phần lớn là những người sinh trước năm 1980 thì lại có ít kiến thức về công nghệ. Những người hiểu biết về công nghệ rất kém, rất yếu lại lên lớp giảng cho học sinh rất giỏi về công nghệ, đây chính là trở ngại lớn nhất trong việc ứng dụng công nghệ trong giáo dục.
“Chúng ta phải quay ngược tư duy của chúng ta, không nên lúc nào cũng chờ đợi hỗ trợ từ Chính phủ, từ Bộ mà phải nhìn thẳng vào chúng ta. Chúng ta dù có già, dù kém thì cứ việc học từ chính học sinh của chúng ta để có thể khắc phục được vấn đề này. Ngoài ra, Nhà nước cần chuyển sang cải cách và đổi mới giáo dục từ cấp nhà trường trở xuống, trong đó quan trọng nhất là nâng cao năng lực kỹ thuật số cho tất cả các thành viên từ hiệu trưởng, hiệu phó,… cho đến giảng viên, giáo viên và học sinh”, TS. Mai Văn Tỉnh nhấn mạnh.
Chúng ta muốn đi xa, đi một cách chắc chắn thì phải có trang bị kỹ năng về chuyển đổi số một cách căn cơ theo các cấp bậc học. Cần phải phổ biến, nâng cao nhận thức, trách nhiệm về tư tưởng, quyết tâm thực hiện chuyển đổi số trong ngành giáo dục. Phổ biến đến từng địa phương, nhà trường, giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý. Cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục. Bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên kiến thức, kỹ năng công nghệ để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.
(Theo Daibieunhandan.vn)