Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, chấp hành sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình; đồng thời chấp hành sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

A. Thông tin chung

- Địa chỉ cơ quan: số 742, đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Thành, thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình

 - Số điện thoại:     0229.3871089

 - Số Fax:         0229.3896573

 - E-mail: vps@zz.edu.vn hoặc phongcntt.soninhbinh@moet.edu.vn

B. Thông tin về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, sơ đồ cơ cấu tổ chức bộ máy

I. Chức năng

         Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo ở địa phương theo quy định của pháp luật và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

           II. Nhiệm vụ và quyền hạn

Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 12 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, Nghị định số 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 của Chính phủ quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, Nghị định số 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 46/2017/NĐ-CP; Nghị định số 86/2018/NĐ-CP ngày 06/6/2018 của Chính phủ quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, các quy định của pháp luật có liên quan và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn sau:

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:

a) Ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về giáo dục; phương án tích hợp nội dung về mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch và các quy định có liên quan; kế hoạch phát triển giáo dục trên địa bàn; kế hoạch, chương trình, dự án phát triển giáo dục trung học phổ thông trên địa bàn; kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông được phân công trên phạm vi địa bàn tỉnh; các văn bản pháp luật về giáo dục theo thẩm quyền;

b) Văn bản chấp thuận về việc thành lập, cho phép thành lập; sáp nhập, chia, tách, giải thể cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học; trường cao đẳng sư phạm, phân hiệu của trường cao đẳng sư phạm trên địa bàn;

c) Phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với thực tiễn của địa phương;

d) Phê duyệt Phương án thành lập, tổ chức lại, giải thể các phòng chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định;

2. Phối hợp với Sở Nội vụ tổng hợp số lượng người làm việc hàng năm của các cơ sở giáo dục công lập trong kế hoạch số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập của tỉnh trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức tuyển dụng hoặc phân cấp việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên trong các cơ sở giáo dục công lập trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo theo quy định của pháp luật.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giáo dục của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với các cơ sở đại học; trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm, trung tâm giáo dục thường xuyên cấp tỉnh theo phân cấp của Chính phủ.

5. Hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo và người có chức danh theo dõi giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

6. Quản lý các hoạt động dạy học và giáo dục trong nhà trường và ngoài nhà trường; chỉ đạo thực hiện hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, an toàn trường học; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; thực hiện và chỉ đạo thực hiện công tác truyền thông giáo dục trên địa bàn.

7. Tham gia thẩm định thực tế đề án thành lập, cho phép thành lập cơ sở giáo dục đại học, phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học trên địa bàn.

8. Thường xuyên cập nhật thông tin về đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục thuộc phạm vi quản lý vào cơ sở dữ liệu ngành giáo dục. Thực hiện đầy đủ và kịp thời chế độ báo cáo định kỳ hằng năm và đột xuất về thống kê, công khai lĩnh vực giáo dục của địa phương thuộc phạm vi quản lý với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo theo quy định.

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao và theo quy định của pháp luật.

 

III. Sơ đồ cơ cấu tổ chức bộ máy

 

           

IV. Một số thành tích đã đạt được

 - Tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học - xóa mù chữ tháng 12/1995

 - Tỉnh đạt chuẩn PCGD THCS tháng 12/2002.

 - Tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi tháng 5/2003.

 - Tỉnh đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi tháng 12/2013, về đích trước 2 năm theo Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

 - Tỉnh đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 1 tháng 11/2011, đạt chuẩn PCGD tiểu học đúng độ tuổi mức độ 2 tháng 12/2014 (theo Thông tư số 36/2009/TT-BGDĐT ngày 04/12/2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo – tiêu chí mới, cao hơn so với năm 2003).

- Đến tháng 5/2024, tỉnh Ninh Bình là một trong 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về đạt chuẩn phổ cập GD các cấp học ở mức độ cao nhất; chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được củng cố vững chắc và nâng cao; quy mô, mạng lưới trường lớp đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

 - Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, nâng cấp, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn ngành đạt 89,4%; tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt 97,9%, riêng trường công lập đạt 100% (là một trong 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia cao của cả nước).

- Chất lượng giáo dục toàn diện không ngừng được nâng cao. Tỉnh Ninh Bình liên tục đứng trong 4 tỉnh dẫn đầu cả nước về điểm trung bình các môn thi tốt nghiệp THPT (năm 2013, 2022 xếp thứ 2; 5 năm liên tục, từ 2017 đến 2021 xếp thứ 3; năm 2014, 2015, 2016, 2023 xếp thứ 4). Năng lực dạy, học và sử dụng Ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quản lý, dạy và học được nâng lên rõ rệt qua từng năm học.

 - Chất lượng giáo dục mũi nhọn từng bước nâng lên, vững chắc: Tham gia thi học sinh giỏi Quốc tế đoạt 6 Huy chương; tham gia kỳ thi chọn học sinh giỏi Quốc gia đoạt trên 2.000 giải (Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học 2023-2024, có 71/82 học sinh dự thi đoạt giải, bằng 86,58%, cao hơn 28,93% so với toàn quốc, xếp thứ 6 toàn quốc); tham gia cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp Quốc gia đoạt 25 giải; nhiều học sinh đạt thành tích cao khi tham gia các sân chơi trí tuệ khác: có 3 học sinh lọt vào vòng chung kết cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” các năm 2007, 2015, 2020; trong đó 01 học sinh đoạt giải Nhất vòng chung kết cuộc thi lần thứ 20 năm 2020; tham gia Triển lãm Quốc tế sáng tạo trẻ đoạt 2 Huy chương; tham gia Cuộc thi Olympic và Hội thảo Quốc tế về công trình sáng tạo năm 2022 (ICPC 2022) do Hàn Quốc tổ chức đoạt Huy chương vàng; ... Hằng năm có khoảng 300 học sinh, sinh viên được Quỹ khuyến học, khuyến tài Đinh Bộ Lĩnh vinh danh, khen thưởng đạt thành tích cao trong học tập.

          - Sở Giáo dục và Đào tạo vinh dự được:

+ Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2004), Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2010), Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2022).

 + Chính phủ tặng Cờ thi đua xuất sắc: Năm 1999, 2003, 2011, 2013, 2017, 2019, 2024 (đã trình Ban TĐKT Trung ương). Nhiều năm được Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc và Bằng khen.

 - Công đoàn Giáo dục tỉnh được tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 1997, Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006 và Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2013./.