A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát triển chữ ký số công cộng

Chữ ký số là tiện ích số quan trọng để chuyển đổi số. Tại Ninh Bình, tỉ lệ các thủ tục hành chính và văn bản được số hóa ngày càng tăng. Vì vậy, người dân sử dụng chữ ký số sẽ tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí cho chính mình và các cơ quan quản lý Nhà nước, góp phần hình thành những công dân số, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số. 

Hướng dẫn công dân đăng ký chữ ký số điện tử

Trong bối cảnh công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra rất mạnh mẽ trên cả 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, thì sử dụng chữ ký số trong các giao dịch điện tử, dịch vụ công trực tuyến... là giải pháp quan trọng, mang lại rất nhiều tiện ích. Chữ ký số vừa đảm bảo cơ sở pháp lý toàn vẹn vì có thể thay thế chữ ký tay, con dấu, vừa giúp cá nhân, tổ chức thực hiện các dịch vụ công trực tuyến linh hoạt mọi lúc, mọi nơi, rút ngắn tối đa thời gian giao dịch hành chính, tiết kiệm chi phí, đảm bảo công khai, minh bạch.

Xác định rõ tăng số lượng công dân được cấp chữ ký số là giải pháp thiết thực để tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình, cung cấp các dịch vụ số an toàn, tin cậy, thúc đẩy chuyển đổi số, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã và đang phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn công dân, tổ chức đăng ký, sử dụng tiện ích này. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh và một thuê bao di động, mọi công dân đều có thể đăng ký, kích hoạt chữ ký số cá nhân cho mình dễ dàng ngay trên ứng dụng.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Ninh Bình

Tại Ninh Bình hiện nay, ứng dụng chữ ký số đã được cấp cho hầu hết các cơ quan Nhà nước trên địa bàn, phục vụ hệ thống thông tin văn bản của tỉnh. Tỉ lệ số hóa các thủ tục hành chính và văn bản ngày càng tăng. Các đơn vị đã ứng dụng chữ ký số để giải quyết thủ tục hành chính cung cấp nhiều dịch vụ công trực tuyến toàn trình.

Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đề ra mục tiêu đến năm 2025 có 50% dân số trưởng thành dùng chữ ký số hoặc chữ ký điện tử cá nhân, đến năm 2030 chỉ tiêu này là trên 70%. Khi có chữ ký số, người dân, doanh nghiệp có thể ký và xác nhận các tài liệu trực tuyến mà không cần đến trực tiếp cơ quan hành chính Nhà nước để gửi và nhận hồ sơ, giúp tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí.

Thu Hiền (theo THNB)


Tác giả: Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Liên kết website